Thống nhất hệ thống điện Việt Nam Bài 6: Theo dấu chân “những người anh hùng đi trên dây”

Khi xây dựng công trình Đường dây 500kV mạch 1, những người xây dựng công trình đã được gọi tên là người lính trên mặt trận xây dựng, phát triển đất nước.

Thì nay, những người làm truyền tải cũng được gọi tên là “người lính truyền tải điện”.

Để có được dòng điện tỏa đi khắp mọi miền, mang ánh sáng đến nâng cao chất lượng sống cho người dân, mang nguồn năng lượng để các doanh nghiệp gia tăng cơ hội sản xuất, kinh doanh… là sự lặng thầm của biết bao con người “anh hùng đi trên dây”.

Những con người dù trong bất cứ điều kiện thời tiết nào cũng rắn rỏi rảo bước dọc theo chiều dài đất nước, kiểm tra từng vị trí cột, từng đoạn dây dẫn, từng con bu lông, từng sợi tiếp địa, từng gốc cây trong hành lang tuyến để nhanh chóng phát hiện sửa chữa hư hỏng trên hệ thống đường dây…, đảm bảo dòng điện luôn vận hành an toàn và ổn định.

Giữ cho dòng điện thông suốt Bắc – Nam là nhiệm vụ của lính truyền tải, vinh quang nhưng cũng rất đỗi nhọc nhằn. Những người gắn đời mình với đường dây điện chính là những con người vất vả nhất bởi tính chất công việc vô cùng đặc thù, thử thách.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Nguyên Tổng giám đốc EVNNPT đã dùng tới hai chữ “ngốn sức” để nói về công việc quản lý vận hành đường dây truyền tải điện. Do các tuyến đường dây truyền tải điện đa phần đi qua các vùng núi hiểm trở, vùng sâu vừng xa, khí hậu khắc nghiệt nên điều kiện đi lại, làm việc, sinh hoạt của đơn vị được phân công quản lý vận hành vô cùng khó khăn. Chính vì vậy mà nghề này vô cùng “kén người”.

Mỗi công nhân đường dây, sau khi trúng tuyển rồi phải được đào tạo thêm một khóa ngắn hạn chuyên ngành truyền tải điện trong thời gian 3 tháng, đồng thời phải tập bơi lội và phải thi để được cấp chứng chỉ bơi lội. Mỗi năm 2 lần, công nhân đường dây phải được khám sức khỏe định kỳ, mỗi lần trèo cột điện làm việc ở độ cao trên 50m thì phải qua công tác kiểm tra sức khỏe ngay tại chân cột.

READ  Thí nghiệm định kỳ Nhà máy Điện mặt trời BIM

Chỉ cần nhìn vào quy trình và bản khuyến cáo nghề nghiệp của người làm nghề “đi trên dây” cũng có thể hiểu sự đặc thù chính là sự vất vả, nặng nhọc và nguy hiểm đến như thế nào.

Trong công việc của mình, những người thợ vận hành luôn đối mặt với những gian nan từ công việc của mình. Đặc biệt là ở những vùng miền núi thường xuyên gặp tình trạng người dân vi phạm hành lang an toàn, đốt nương rẫy gây cháy rừng vẫn thường xuyên xảy ra, tình trạng đầy tải và quá tải luôn đe dọa.

Ngoài ra, nắng nóng và gió bụi sương muối, sương mù đã khiến bụi đỏ bazan bám dày vào chuỗi trục sứ cách điện… Để làm vệ sinh các chuỗi sứ này những người thợ không chỉ nắm vững lý thuyết quy trình, quy phạm kỹ thuật mà còn phải có bản lĩnh, sức khỏe tốt, thần kinh vững vàng để có thể trèo lên độ cao mấy chục mét, phải tiếp xúc với nhiều yếu tố độc hại như tiếng ồn, hóa chất, điện từ trường mà không gây mất an toàn lao động.

Đó là chưa kể mỗi khi nhỡ nhàng phải nhịn đói thông tầm, khi mưa gió bão lụt gặp sự cố dù đang ở đâu cũng phải xuất quân để xử lý sự cố, khôi phục nguồn điện với yêu cầu nhanh nhất. Có những điểm cột phải trèo đèo, vượt dốc nửa ngày đường mới lên đến nơi.

Để đảm bảo Đường dây truyền tải điện vận hành an toàn, có rất nhiều công việc phải làm. Chẳng hạn như, mỗi tháng, công nhân phải đi kiểm tra định kỳ đường dây vào ban ngày ít nhất 2 lần, mỗi quý kiểm tra ban đêm ít nhất 1 lần, mỗi lần 4-5 ngày. Một nhóm công tác 2 người phải đi kiểm tra vài chục vị trí cột, tùy theo điều kiện địa hình.

READ  Quy định về các dịch vụ điện trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam

Ngoài ra, còn phải đi kiểm tra trước và sau những ngày lễ tết, những ngày mưa, bão, lũ lụt nhất là những cung đoạn đường dây xung yếu. Việc kiểm tra không chỉ dựa vào bằng thiết bị mà còn bằng chính kinh nghiệm, bằng cảm giác.

Người công nhân đường dây phải đi kiểm tra rất kỹ lưỡng thì mới có thể phát hiện kịp thời các hư hỏng của từng con bu lông, đinh ốc,… hay các hiện tượng vi phạm hành lang an toàn đường dây như cây cao trong và ngoài hành lang đường dây, đốt rẫy đốt nương gần hành lang, đào xới, xâm phạm móng cột… để ngăn chặn kịp thời những nguy cơ đe dọa đến sự vận hành an toàn của đường dây.

Mỗi khi có sự cố thiên tai hay sự cố điện, yêu cầu trên hết là phải tìm ra nguyên nhân để khắc phục sự cố, nối lại điện sớm nhất. Bất chấp sớm khuya, bất chấp điều kiện thời tiết như thế nào, cũng phải dằn lòng dẹp lại cả cái hẹn về với gia đình những khi lễ tết xum vầy, người công nhân lại lao lên tuyến hoàn thành nhiệm vụ.

Có những khi vì yêu cầu công việc chẳng hạn như đợt tổng sửa chữa đường dây khu vực, thời gian thi công thì dài, trong khi lịch cắt điện lại phải bảo đảm ngặt ngèo, nên công nhân phải dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị cho việc đi làm là liên tục trèo cột, ra dây từ 4 giờ sáng đến tận 16 giờ chiều, bất kể sự thất thường của thời tiết.

Rồi cũng vì bảo đảm tiến độ mà nhiều khi các đội phải tổ chức bữa ăn ngay tại công trường để bảo đảm sức khỏe cho anh em. Hàng ngày, bộ phận cấp dưỡng phải gánh cơm đến từng chân cột điện cho công nhân.

READ  EVN với công tác phòng, chống thiên tai: Chủ động trước mọi tình huống, ứng phó kịp thời

Thời gian ăn trưa khẩn trương đến mức, không hiếm bữa cơm phải dùng dây thừng kéo đồ ăn, nước uống lên tận đỉnh cột cao vài chục mét. Với những “người hùng đi trên dây”, bữa cơm ngay trên đỉnh cột, giữa trời gió lớn, lại là một cái “thú” riêng của nghề, không phải ai cũng có được.

Nhìn lại cả lịch sử phát triển của ngành truyền tải điện có thể thấy, sự gắn bó giữa người công nhân và người dân luôn như mạch ngầm chảy xuyên suốt qua nhiều thế hệ, tạo nên mối tương sinh gắn bó.

Và với người dân ở khắp vùng miền của dải đất hình chữ S, từ miền núi đến miền xuôi, từ nơi hẻo lánh đến đồng bằng phì nhiêu, hình ảnh người công nhân truyền tải điện trở nên thân thiết đến độ, họ gọi các anh là “lính truyền tải điện”, như cách xưa kia đã nói về người lính bộ đội cụ Hồ, như cái cách mà họ dành tình cảm cho những con người mở đường đi xây dựng Đường dây 500kV Bắc- Nam thủa nào.

Năm tháng cứ trôi qua, bất kể mùa đông hay mùa hạ, dẫu ngày hay đêm, mưa rét hay nắng cháy, những người “anh hùng đi trên dây” vẫn lặng lẽ  từng bước chân dọc theo chiều dài của tuyến.

Giữa núi non trùng điệp, vách đá dựng đứng cao hàng trăm mét, những con đường mòn len lỏi giữa ngút ngàn rừng già luôn có dấu chân thầm lặng vượt qua khó khăn, trèo đèo lội suối, bám từng đường dây, cột điện, từng vị trí cột, từng nội dung kiểm tra, từng đoạn dây dẫn, từng con bu lông… để giữ cho đường dây huyết mạch được thông suốt,  để ánh sáng truyền đến mọi nẻo đường của Tổ quốc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *