Ngày 20/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (Ban Chỉ đạo) họp phiên đầu tiên. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới các tổng công ty trong Tập đoàn.
Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-HĐTV ngày 17/2/2021, thông qua Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025. Trong đó, xác định 5 lĩnh vực chuyển đổi số (Sản xuất; kinh doanh và dịch vụ khách hàng; đầu tư xây dựng; quản trị nội bộ; viễn thông và công nghệ thông tin), đồng thời đề ra 92 nhiệm vụ cụ thể giao các đơn vị thực hiện.
Ban Chỉ đạo được thành lập theo Quyết định số 15/QĐ-HĐTV ngày 01/3/2021, do Chủ tịch HĐTV EVN trực tiếp là Trưởng ban. Tiếp đó, đã thành lập 7 Tổ công tác giúp việc cho Ban Chỉ đạo, khẩn trương bắt tay vào triển khai nhiệm vụ. Các tổng công ty trong Tập đoàn cũng đã hoàn thành xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số.
Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam
Theo ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN, Trưởng Ban Chỉ đạo, các Ban chuyên môn EVN, các đơn vị trong Tập đoàn đã nỗ lực triển khai Nghị quyết số 68/NQ-HĐTV bằng những chương trình hành động cụ thể, tiến độ các công việc ban đầu đạt yêu cầu đề ra.
Năm 2021, các đơn vị đã chủ động đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện quyết tâm trong công tác chuyển đổi số. Chủ tịch HĐTV EVN yêu cầu, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo từng giai đoạn tới năm 2022, 2025. Trong triển khai chuyển đổi số, cần song hành đảm bảo an toàn thông tin.
Cùng đó, lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu tập trung xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học trong chuyển đổi số, đăng ký phát triển tối thiểu 10 sản phẩm “Make by EVN”, tiến tới có ít nhất 5 sản phẩm “Make in Viet Nam” là sản phẩm mang thương hiệu EVN vào năm 2022. Đối với các đề án chuyển đổi số, cần có đơn vị tư vấn triển khai và có cách thức quản lý dự án chặt chẽ.
Chủ tịch HĐTV EVN nhấn mạnh, để triển khai chuyển đổi số, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Không đào tạo đại trà, mà cần xây dựng các tiêu chí đào tạo riêng cho từng đối tượng. Các đơn vị cần chủ động và sáng tạo trong huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số tại đơn vị.
Cũng tại phiên họp, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân một lần nữa nhấn mạnh, EVN chuyển đổi số theo tinh thần thực chất, thực sự hiệu quả, không “làm màu”. Về đối tượng tham gia chuyển đổi số, EVN triển khai trên quy mô toàn Tập đoàn. Mỗi CBCNV, mỗi đơn vị đều sẽ tham gia chuyển đổi số.
Tổng Giám đốc EVN đề nghị các đơn vị trong Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, đăng ký bổ sung nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới; tránh tình trạng “nơi nhiều, nơi ít”.
Lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu cần có tư vấn về kiến trúc chuyển đổi số, xem xét đưa kinh nghiệm quốc tế vào áp dụng hiệu quả. Đối với các đơn vị, khi lựa chọn tư vấn và thực hiện các nhiệm vụ, dự án chuyển đổi số, cần phải lưu ý về việc đồng nhất, phù hợp hệ sinh thái số chung toàn EVN.